Trồng khoai lang thủy sinh mình nhắc tới trong bài viết này, không phải là trồng số lượng lớn để thu hoạch lá hoặc củ. Mà là trồng làm cảnh, làm cây để bàn và trang trí căn nhà hay văn phòng của bạn.
Trồng cây cảnh là thú vui của nhiều người, nhưng điều kiện kinh tế hoặc thời gian không cho phép. Nghĩ đến khoai lang có vẻ không thích thú lắm, nhưng thật sự khi nó lên mầm, ra lá trông rất đẹp.
Đặc biệt là bộ rễ dài, trắng tinh, được xếp theo một quy luật nhất định, càng làm cho nó trở nên độc lạ khiến nhiều người bất ngờ!
Dưới đây, mình sẽ hướng dẫn mọi người về kỹ thuật trồng khoai lang thủy sinh trong cốc nước để làm cây cảnh đề bàn siêu độc lạ, đẹp mắt nhé!
Mục Lục
Trồng khoai lang thủy sinh cần chuẩn bị gì
- Một cốc hoặc bình thủy tinh kích thước tùy sở thích.
- Cần 4 que tăm hoặc xiên nhỏ.
- Một chậu trồng cây (nếu muốn trồng sang chậu khi khoai lang thủy sinh mọc quá dài).
- Một củ khoai với kích thước theo mong muốn của bạn.
Lưu ý: Nếu chọn cốc hoặc bình thủy tinh có kích thước quá lớn hoặc quá nhỏ, không cân đối với củ khoai lang, thì SẼ LÀM giảm vẽ đẹp tổng thể. Nhưng đừng lo lắng, mình sẽ hướng dẫn bạn cách xử lý ở cuối bài viết.
Cách hay nhất là hãy chọn củ khoai lang có kích thước phù hợp với cốc hoặc bình thủy tinh. Bởi vì khoai lang dễ mua, chi phí rẻ, hình dáng và kích thước đa dạng, nên có thể chủ động lựa chọn sau phù hợp theo cốc.
Cách trồng khoai lang thủy sinh
Bước 1: Cho nước đầy cốc thủy tinh, đừng sợ quá đầy, vì sau khi bỏ khoai vào nó sẽ tự tràn ra. Có thể dùng nước khoáng, nếu là nước máy thì cần để ngoài không khí 1 tiếng cho bay hết Clo.
Chọn củ khoai lang còn tươi, chất lượng tốt và hình dáng đẹp. Đặc biệt, phải có nhiều mắt, bởi vì sau này rễ và chồi sẽ mọc ra từ những mắt này, càng có nhiều mắt mọc càng nhiều thì càng đẹp.
Rửa sạch củ khoai lang, nhưng cần nhẹ nhàng để không bị tổn thương các mắt ngủ. Nếu ở kẽ vẫn chưa sạch, có thể dùng tăm bông làm vệ sinh.
Để củ khoai trông bóng và đẹp hơn, có thể dùng sơn móng tay trong suốt sơn lên củ khoai. Nếu muốn giữ màu tự nhiên thì không cần làm.
Bước 2: Đối với những củ khoai to, vừa cốc thủy tinh, khi đặt vào có thể cố định thì không cần dùng tới que tăm.
Còn với những củ khoai kích thước nhỏ so với cốc, không thể tự đứng, thì dùng 4 que tăm cắm 4 bên củ khoai như trong hình.
Lưu ý: Khi dùng tăm cắm vào củ khoai, bạn cần ước lượng sao cho khi đặt nó vào cốc, thì nước chỉ ngập 1/3 củ khoai, nếu ngập nhiều quá sẽ khiến khoai bị thối.
Bước 3: Di chuyển cốc đến nơi có ánh sáng nhẹ và thoáng gió, sẽ giúp củ có điều kiện để mọc mầm. Theo dõi thấy lượng nước giảm thì bổ sung thêm.
Chăm sóc khoai lang trồng thủy sinh
Sau 15 ngày, củ khoai lang đã ra rất nhiều rễ, màu trắng, sắp xếp tự nhiên, nhưng nhìn từ ngoài vào thì thấy có trật tự và rất đẹp mắt. Chính bạn nhìn thấy cũng sẽ mãn nhãn và vui sướng về thành quả của mình.
Tuy nhiên, một vấn đề xảy ra là, thời gian này nước trong cốc sẽ thường xuyên bị đục. Vì vậy để duy trì vẽ đẹp của bộ rễ và giữ cho cốc sạch, bạn cần tiến hành thay nước.
Thế nhưng, những bộ rễ đã sắp xếp có hình rất đẹp, nếu bạn lôi nguyên cả củ ra ngoài thì sẽ phá vỡ vẽ đẹp đó, khi cho củ vào sẽ không còn đẹp như trước.
Để giải quyết vấn đề này, bạn chỉ cần giữ cố định củ khoai trong cốc, rồi nghiêng miệng và đổ nước từ từ ra. Nếu thành cốc bẩn, có thể dùng tăm bông nhẹ nhàng luồn vào làm vệ sinh.
Bây giờ, từ từ cho nước mới vào là bạn đã tiến hành thay nước thành công cho khoai lang thủy sinh.
Khi cây khoai lang cao hơn, nó dễ bị đỗ, bạn có thể đan các thân lại với nhau để chúng khỏe và đủ sức đứng thẳng.
Bạn cũng có thể tạo hình cho cây khoai lang theo ý bạn muốn. Hoặc dùng dây kẽm (/nhôm) để uốn nắn thân khoai lang theo sở thích.
Đề xuất thêm: Nhiều bạn sử dụng bình thủy tinh kích thước quá lớn so với củ, thì khi cây khoai lang mọc lên (phát triển chiều cao) trông không đẹp do không có sự cân đối về kích thước giữa cây và bình.
Nhiều bạn lại thích khoai lang phải phát triển cả bề ngang thì trông mới đẹp. Mình đề xuất là khi cây đã đạt chiều cao phù hợp, bạn hãy tiến hành cắt ngọn, để chúng đẻ nhánh thì trông sẽ đẹp hơn rất nhiều.
Mặt khác, ban đầu nên chọn củ khoai lang có nhiều mắt, đặt phần nhiều mắt đó phía trên, như vậy sẽ giúp chúng mọc thêm nhiều mầm.
Điểm lưu ý khi trồng khoai lang thủy sinh
Nếu bạn trồng khoai lang thủy sinh trong bể cá, thì lưu ý chỉ cho nước tiếp xúc một chút củ hoặc để gần mặt nước. Khi gặp hơi nước bốc lên, củ sẽ tự mọc rễ và xõa xuống nước.
Bởi vì nếu bạn ngâm cả củ vào bể cá thủy sinh, khi khoai lang bị thối sẽ khiến cho môi trường nước bị đục bẩn, mất công thay nước và làm vệ sinh bể nhiều lần.
Để chiêm ngưỡng vẽ đẹp của khoai lang trồng trong bể cá, mời bạn xem video bên dưới:
Sau thời gian chơi thủy sinh, bạn có thể mang cây khoai lang ra trồng vào chậu đất để tiếp tục chơi cảnh. Nhiều người đã thiết kế được những chậu khoai lang rất đẹp, không thua kém gì những cây cảnh đắt tiền. Mời bạn chiêm ngưỡng các hình ảnh bên dưới:
Như vậy bài viết trên Fao đã hướng dẫn cho các bạn cách trồng khoai lang thủy sinh, đồng thời là cách chăm sóc. Chúc các bạn sẽ có được những cây khoai như ý muốn của mình.
Nội dung được tham khảo từ kênh Youtube của Ly Garden- Vườn của Ly