Cũng nói thêm, hiện nay người ta trồng nho lấy quả chủ yếu ở các tỉnh phía Nam như Ninh Thuận. Còn ở miền Bắc quả rất nhỏ, chất lượng kém nên chủ yếu trồng làm giàn che mát.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với bạn tường tận quá trình trồng và chăm sóc nho để cây khỏe mạnh, cho trái to ngọt nhất có thể. Càng cuối bài viết, thông tin càng quan trọng hơn nên bạn chú ý đọc kĩ.
Mục Lục
Cách trồng nho tại nhà đúng kỹ thuật, dễ chăm
1. Nên trồng nho vào tháng mấy
Nếu tiến hành trồng nho tại nhà thì bạn có thể bắt tay vào làm bất cứ khi nào. Còn nếu bạn trồng nho với mục đích kinh doanh thì nên tiến hành từ tháng 12 tới tháng 1 hằng năm.
Cây nho là loại cây ưa sáng hoàn toàn, thích hợp nơi có khí hậu khô, mưa ít. Nếu bạn trồng nho ở những nơi thường xuyên mưa nhiều sẽ làm hoa và quả dễ rụng. Các loại nấm, sâu bệnh sinh trưởng, phát triển làm cho việc chăm sóc khó khăn hơn.
2. Xử lý cây giống khi mua về
Đối với cây rễ trần:
Cắt tỉa bớt rễ nếu quá dài. Nếu thân cây quá dài, cũng cần cắt bớt, chỉ để lại 4-5 mắt tính từ mắt ghép lên.
Sau khi nhận cây về, đem ngâm nước 2 tiếng rồi mới mang ra trồng.
Đối với cây giống có bầu đất:
Nếu đang có hoa và quả thì cắt bỏ, cắt bỏ cả ngọn, chỉ đề lại 5 chồi tính từ đầu cành.
3. Cách làm đất trồng nho
Đối với nho trồng trên sân thượng:
Do là loại cây dây leo, phát triển nhiều lá, nên khi trồng có bầu càng to càng tốt.
Đất trồng gồm: 70% đất, 30% phân chuồng hoai mục, 100g NPK 5-10-3 và 30g Supe lân.
Đối với nho trồng ngoài trang trại:
Tiến hành cày đất lên, phơi ải từ 7-10 ngày. Sau đó bừa cho đất tơi xốp và tiến hành lên luống.
Lên mặt luống rộng 2.2 đến 2.5m, rãnh rộng 40-50cm, sao cho đảm bảo hàng cách hàng 2.8 đến 3m.
Sau khi lên luống, tiến hành san mặt luống cho phẳng sao cho phần giữa luống hơi cao hơn chút, để tránh bị đọng nước, làm úng và chết cây.
4. Hướng dẫn chi tiết cách trồng nho tại nhà cho nhiều trái
Đối với nho trồng trên sân thượng:
Tiến hành trồng cây giữa bầu, sao cho phần mắt ghép nằm phía trên mặt đất từ 3-5cm.
Sau khi trồng, tưới đẫm nước cho cây. Chỉ tưới đẫm lần đầu, các lần sau tưới đều hàng ngày vừa đủ để duy trì độ ẩm trong bầu đạt từ 60-70%.
Video hướng dẫn cách trồng nho trong thùng xốp – Kinh nghiệm thành công, thất bại của kênh THÍCH TRỒNG CÂY TV.
Đối với nho trồng ngoài trang trại:
Tiến hành cuốc hố ở giữa luống, đào sao cho cây cách cây 1.5m, kích thước hố 40x40cm, phần đáy hố để một lớp đất xốp để rễ cây dễ phát triển.
Khi trồng, để lộ mắt ghép lên trên cách mặt đất 5cm, mục đích là để kiểm soát mầm dại sau này của mắt ghép, tránh cắt nhầm cành ghép.
Sau khi trồng xong thì tiến hành bón phân, cuốc xung quanh cách gốc 20cm, bón hỗn hợp 5-10kg phân chuồng hoai mục + 300g NPK 5-10-3 + 300g Supe lân, rồi lấp đất lại.
Sau khi trồng và bón phân, tiến hành lắp hệ thống tưới nước, đối với thời tiết không mưa thì cứ 3 ngày tưới một lần, đảm bảo mỗi cây nhận từ 5-8 lít nước.
Cách chăm sóc cây nho sau khi trồng
Cắt tỉa: Sau 4-5 ngày trồng, mầm bắt đầu bật lên, cắt bỏ các mầm ở dưới, chỉ giữ lại một mầm khỏe ở vị trí cao nhất để cho cây sinh trưởng.
Sau 12-15 ngày, cây sẽ đạt chiều cao 40-50cm, lúc này một số cây sẽ ra hoa, ta tiến hành cắt bỏ hoa và các chồi nách, để cho cây tập trung nuôi ngọn phát triển.
Khi cây leo giàn, tiếp tục để nó phát triển, khi cây đạt 1.5m chiều dài thân trên giàn, thì cắt bỏ chỉ để lại 30cm để cây bật cành cấp 1.
Chú ý chỉ để lại 3-4 cành cấp 1, phân bổ đều trên giàn sao cho không bị chồng chéo lên nhau.
Nuôi cành cấp 1: Vặt chồi phụ ở 30cm đầu tiên, sau đó để tự do dài 1.2m và lại tiến hành cắt cành sao cho chiều dài cành cấp 1 từ 0.6 đến 1m. Rồi để cho nó ra 3-6 cành cấp 2 (chúng ta có thể cho nó ra hoa ở cành cấp 2 luôn hoặc để nó tiếp tục ra cành cấp 3 tùy từng giống).
Làm giàn: Tiến hành chôn cột và cắm cây để buộc cố định cây nho lên thẳng.
Đối với cây nho trên sân thượng, làm giàn và cột phù hợp với diện tích hoặc có thể làm giàn đứng nếu diện tích nhỏ.
Đối với cây trồng trang trại, chúng ta chôn cột sắt hoặc bê tông cao 2.5m để tiện sau này làm mái vòm che phủ, các cột cách nhau 3m dọc theo luống.
Sử dụng cành cây cắm sát gốc nho, các cây này được cố định bằng dây buộc néo vào các cột bê tông hoặc cột sắt. Dùng dụng cụ bấm dây leo chuyên dụng hoặc dây buộc cố định cây nho vào que cắm.
Bón phân cho cây nho: Thời gian đầu nho phát triển rất nhanh, nên cứ 15 ngày cần bón thúc 30g đạm ure cho mỗi cây, đào và bón cách gốc 20-30cm rồi lấp đất lại.
Tưới nước: Giai đoạn này cây sinh trưởng mạnh nên cần lượng nước tưới nhiều.
Sau 2 tháng, cây đạt chiều cao từ 1.8 đến 2m, lúc này tiến hành bẻ ngọn (bấm ngọn) để cây hóa gỗ. Mình sẽ trình bày ở phần 6.
Phòng trừ sâu bệnh: Cây nho thường bị một số loại nấm tấn công và sâu bọ chích hút như bọ trĩ, nhện đỏ, sâu ăn lá… nên cần thường xuyên phun thuốc phòng trừ bệnh cho cây.
Một số thuốc phòng trừ nấm như Antracol, Nativo, Mancozeb… Một số thuốc trừ bọ chích hút như Actara, Moventor…
Video hướng dẫn kỹ thuật trồng cây nho cho quả sai trĩu cành – chi tiết từ A đến Z | VTC16
Kinh nghiệm ngắt ngọn và bấm cành nho
Để cây nhỏ được sinh trưởng trường kỳ, thân to khỏe, nhiều trái to ngọt quanh năm thì bà con phải có phương pháp ngắt ngọn và bấm cành đúng.
Đầu tiên, chúng ta phải phân biệt được sự khác nhau giữa việc ngắt ngọn, ngắt chồi và bấm cành. Rất nhiều người nhầm lẫn các khái niệm đó, dưới đây là chia sẻ của Bác sĩ Cây Nho Ninh Thuận:
- Mục đích ngắt ngọn và ngắt chồi là để chất dinh dưỡng không nuôi cành dài ra, mà quay lại để nuôi cành và quả nho phát triển.
- Mục đích của việc bấm cành là sau mỗi lần thu hoạch, bấm cành để dinh dưỡng tập trung nuôi mắt ngủ để chúng ra hoa tiếp tục vụ mới.
Cũng nói thêm là tại mỗi một nách lá sẽ có một mắt ngủ và chồi nách.
Ngắt ngọn:
Ở phần 5, mình đã trình bày rằng sau khi cành cấp 1 đủ chiều dài thì tiến hành ngắt ngọn, sao cho chiều dài cành cấp 1 còn khoảng 30-40cm.
Sau đó vài ngày, từ cành cấp 1 cây sẽ tiếp tục ra 3-6 cành cấp 2, tiếp tục chăm sóc để cây phát triển cành cấp 2. Lúc này có 2 lựa chọn:
- Lựa chọn 1: Nếu muốn cây ra hoa ở cành cấp 2, thì cần để chúng phát triển 3 tháng thì mới tiến hành ngắt ngọn.
- Lựa chọn 2: Nếu muốn cây ra hoa ở cành cấp 3, thì cần để chúng phát triển 2 tháng thì tiến hành cắt ngọn. Và tiếp tục để nó ra các cành cấp 3 và phát triển.
Lưu ý: Chỉ giữ những cành mập khỏe, cắt bỏ cành yếu, kết hợp chế độ chăm sóc hợp lý để giúp tăng năng suất.
Xử lý cành ra hoa đậu quả:
Đối với những cành mà chúng ta xác định để chúng ra hoa đậu quả, thì khi chiều dài đạt 60 phân đến 1 mét thì tiến hành ngắt ngọn và ngắt các chồi nách ở 7 nách đầu, để dinh dưỡng tập trung nuôi quả.
Sau khi ngắt ngọn, ở trên đầu ngọn của chúng sẽ tiếp tục ra chồi mới, thì cứ khi chồi dài 1 gang tay thì lại ngắt ngọn, để chúng không còn phát triển chiều dài nữa.
Bấm cành:
Sau mỗi vụ thu hoạch, chúng ta bắt đầu thực hiện chế độ đặc biệt như cắt nước, bón phân hợp lý, khi thấy nho đã sung sức trở lại thì bấm cành.
Quan sát từ mắt ngủ thứ 5 tới mắt ngủ thứ 7, chọn cái nào to khỏe thì bấm cành phía trên nó để nho ra hoa tiếp tại các mắt ngủ đó.
Và cứ tiếp tục chu kỳ chăm sóc tuần hoàn như vậy thì nếu thời tiết thuận lời, mỗi 2 năm bạn sẽ thu hoạch được 5 vụ.
Trên đây là toàn bộ hướng dẫn của mình về quy trình trồng nho từ lúc cây giống cho tới thu hoạch, hy vọng bài viết bổ ích với bạn đọc.
(Bài viết tham khảo nội dung từ các kênh Youtube Thịnh Nông Nghiệp và Bác Sĩ Cây Nho Ninh Thuận)