Nhiều người muốn tận dụng sân thượng, khoảng sân nhỏ để trồng dưa lưới, vừa là thú vui lúc nhàn rỗi, vừa làm cây cảnh, lại có quả để ăn sau vài tháng. Hầu hết đều phân vân rằng nên trồng dưa lưới bằng thùng xốp hay chậu, rồi khi nó lớn thì chăm sóc thế nào để ra quả to và ngọt.

Trồng dưa lưới có khó không? Không khó! Tôi trải qua nhiều lần thực hiện, đã đúc kết ra kinh nghiệm “trồng là thắng”, hôm nay chia sẻ tới bạn đọc toàn bộ quy trình trồng dưa lưới đơn giản nhất mà tỷ lệ thành công cao nhất nhé!

Trồng dưa lưới cần chuẩn bị gì?

Nhiều người chỉ cách trồng dưa lưới tại nhà là phải chọn hạt giống thế này thế kia, rồi gieo trồng bước này bước kia, xử lý phân bón các kiểu… RẤT PHỨC TẠP!

Trồng dưa lưới

Riêng mình chỉ chọn lọc những cái đơn giản nhất để hướng dẫn, vì vậy bạn không phải đặt yêu cầu kĩ thuật quá khắt khe cho bản thân, để rồi TỰ LÀM KHÓ MÌNH!

Vậy trồng dưa lưới yêu cầu chuẩn bị những gì?

1. Hạt giống dưa lưới

Bạn có thể mua hạt giống dưa lưới ngoài cửa hàng hạt giống hoặc qua điện thoại trên các trang thương mại điện tử. Nếu không biết đặt, thì nhờ người thân làm giúp!

Hạt giống trồng dưa lưới trong thùng xốp

Hoặc khó quá, không nhờ được ai, thì đơn giản nhất ra chợ mua một quả dưa lưới già về ăn, và giữ lại phần hạt để trồng.

Tận dụng hạt dưa lưới để trồng

Nên lấy hạt ở phần giữa quả

2. Chậu trồng

Trồng dưa lưới bằng gì cũng được, chỉ cần chứa được đất là ok. Mình thấy có người dùng chậu, người dùng thùng sơn, thùng xốp, lại có người tận dụng bao tải để trồng… tất cả đều được.

Trồng dưa lưới bằng thùng xốp, bao tải hoặc chậu

Tuy nhiên, nếu dùng thùng hoặc chậu thì cần đục một lỗ ở đáy để dễ thoát nước và chống ngập úng.

3. Đất và phân bón

Đất: Chỉ cần đạt yêu cầu tơi xốp và thoát nước tốt là được. Cách đơn giản nhất kiểm tra đất trồng dưa lưới là dùng tay bóp đất và thả ra, nếu thấy vẫn tơi là đạt yêu cầu.

Phân bón: Không có yêu cầu khắt khe, trước tiên cần quan sát xem có thể tận dụng các nguyên liệu sẵn có ở nhà hay không.

Dễ dàng nhất là dùng rác thải gia đình và đồ ăn thừa như vỏ rau củ quả, cơm thịt cá thừa… Mang đi ủ thành phân, có thể chế thêm chất vi sinh chuyên dùng ủ phân hữu cơ (mua ngoài cửa hàng) để đẩy nhanh quá trình ủ.

Trường hợp không ủ được, thì có thể mang những rác thải gia đình đó trộn trực tiếp vào đất trồng.

Nếu ở nông thôn, có thể dùng phân chuồng hoai mục từ các loại động vật như trâu bò, gà vịt…

Ở thành phố không có điều kiện ủ phân, thì mua phân và đất sạch bán tại cửa hàng cây cảnh. Các nguyên liệu có thể mua tại cửa hàng như: phân trùn quế, phân bò, phân cá, phân hữu cơ, xơ dừa…

3. Các dụng cụ khác

Dưa lưới thân nhỏ, mọc leo, quả rất to, nên cần có giá đỡ khi cây phát triển. Bạn có thể thiết kế giàn để chúng leo, cũng có thể trồng cạnh song sắt hàng rào thì không cần làm giàn.

Khi quả lớn, trọng lượng nặng, mà thân dưa lưới nhỏ, độ bám kém, nên cần có dây để treo quả.

Kỹ thuật trồng dưa lưới trong chậu, thùng xốp hoặc bao tải

Dưa lưới có thể trồng quanh năm, nhưng phù hợp nhất là từ tháng 1 tới tháng 9 âm lịch. Sau 3 tháng là thu hoạch, nếu bạn muốn trưng Tết thì trồng vào giữa tháng 9. Sau đây là toàn bộ quy trình trồng:

1. Xử lý hạt giống dưa lưới

Nếu mua hạt giống thì cần ngâm trong nước ấm 4 tiếng. Nếu nước bị lạnh thì cần thay mới.

Ngâm hạt giống dưa lưới

Có người hướng dẫn ủ hạt giống dưa lưới trong khăn vải hoặc giấy ăn đến khi mọc mầm mới gieo. Mình thấy không cần thiết trừ khi thời tiết không quá lạnh.

Nếu là hạt lấy trực tiếp từ quả thì mang gieo luôn không cần ngâm. Nhưng trước tiên cần loại bỏ hạt lép và chất lượng kém bằng cách cho tất cả vào nước rồi loại bỏ những hạt nổi.

Loại bỏ các hạt dưa lưới nổi

2. Gieo hạt dưa lưới

Cho hỗn hợp đất trồng vào giá thể, dùng tay vạch lỗ nhỏ, đặt hạt vào, mỗi giá thể gieo 1 hạt. Rồi lấp kín đất lại sao cho khoảng cách từ hạt tới mặt đất khoảng 1 đốt tay.

Gieo hạt dưa lưới vào khay

Giá thể là chậu, thùng xốp, lọ nhỏ, khay gieo hạt… có chứa đất dinh dưỡng

Gieo hạt dưa lưới

Lấp đất sau khi gieo hạt dưa lưới

Tưới nước đủ ẩm ướt và đặt ở nơi thoáng mát, tốt nhất là tiếp xúc được với ánh sáng mặt trời vào buổi sáng và chiều.

Tưới nước sau khi gieo hạt dưa lưới

Tưới đẫm nếu đáy chậu có lỗ thoát nước

Thường xuyên kiểm tra và tưới thêm nước để duy trì độ ẩm cho đất. Nên tưới vào buổi sáng và chiều để tránh cây bị sốc nhiệt.

Gieo hạt dưa lưới sau 11 ngày

Cây dưa lưới 11 ngày tuổi

Sau vài ngày cây con trồi lên, tiếp tục chăm sóc cho tới khi đủ kích thước, cứng cáp và có thể mang ra chậu trồng.

Dưa lưới được 3 lá thì làm dây

Dưa lưới đủ 3 lá có thể trồng vào thùng xốp

3. Cách trồng dưa lưới

Mang cây con còn nguyên bầu trồng vào chậu, thùng xốp hoặc bao tải.

Trồng nguyên cả bầu dưa lưới

Tránh làm tổn thương bầu rễ

Sau khi trồng, bạn cần phòng ốc sên và sâu hại tấn công dưa lưới. Bằng cách vò nát vỏ trứng thành những mảnh nhỏ và rắc đều quanh gốc cây. Vỏ trứng sắc nhọn sẽ gây khó chịu cho ốc sên và sâu, khiến chúng không dám đến gần.

Dùng vỏ trứng chống ốc sên cho dưa lưới

Vỏ trứng vừa bảo vệ cây vừa là nguồn dinh dưỡng cần thiết

Tưới nước sau khi trồng dưa lưới

Tưới nước ngay sau khi trồng dưa lưới

Cách chăm sóc dưa lưới vô cùng quan trọng

Kỹ thuật trồng dưa lưới khá đơn giản, nhưng khi chăm sóc lại đòi hỏi nhiều công sức hơn. Bởi vì, để cây sinh trưởng khỏe mạnh, cho quả to và ngọt, thì ở mỗi giai đoạn sẽ có cách xử lý khác nhau.

Cắt tỉa lần 1: Khi cây cao từ 20 phân trở lên, chúng sẽ mọc thêm nhiều nhánh, lúc này cần cắt bỏ các nhánh phụ, chỉ để lại nhánh chính để cây phát triển về chiều cao.

Cắt tỉa toàn bộ nhanh phụ dưa lưới

Làm dây: Khi được được 20 ngày tuổi (3 lá) thì làm dây cho nó bám và leo lên.

Quấn dây định hướng cho dưa lưới

Bằng cách buộc 1 đầu dây bên trên (giàn hoặc đỉnh hàng rào sắt), đầu dưới buộc vào cọc cắm gần gốc cây.

Làm dây leo cho dưa lưới

Sau đó quấn dây quanh thân cây để định hướng, khoảng 2-3 ngày cây lại cao thêm thì lại quấn thêm vào thân.

Cắt tỉa định kì: Trong suốt quá trình chăm sóc, cần cắt bỏ các lá và nhánh gần gốc để chúng tập trung dinh dưỡng nuôi cây.

Cắt bỏ nhánh dưa lưới sát gốc

Chú ý cần cắt xéo (vát), giữ lá đã cắt để đặt quanh gốc cây. Mục đích là tránh trôi phân khi gặp mưa, đồng thời khi phân hủy lượng lá này cũng là nguồn dinh dưỡng cho cây.

Bón phân: Thay vì bón nhiều phân mỗi lần và bón nhiều ngày/lần, thì nay bón với lượng nhỏ (lòng bàn tay) với tần suất 10 ngày/lần. Giai đoạn cây ra đọt (nhánh) cần bón 7 ngày/lần để cung cấp đủ dinh dưỡng.

Bón phân bò cho dưa lưới

Dùng phân bò, phân cá, phân trùn quế, phân hữu cơ nhà bếp để bón

Phân bón cần rải đều trên mặt đất cách gốc một khoảng hoặc rải quanh thành chậu trồng. Đối với phân bò, có thể đào rảnh rồi chôn phân xuống.

Tưới nước: Tưới nước 1 lần mỗi ngày để duy trì cho đất ẩm ướt. Cần tưới vào sáng sớm hoặc chiều mát, tránh tưới quá đẫm khiến cây bị ngập úng.

Cắt tỉa lần 2: Tiếp tục cắt bỏ các lá gốc và nhánh phụ, chỉ để những nhánh từ độ cao 50 phân trở lên. Lý do là quả dưa lưới sẽ ra ở các nhánh này, nếu để quả sát gốc thì khi chúng lớn sẽ chạm vào đất và có thể gây thối quả.

Cắt tỉa đọt dưa lưới

Chỉ giữ lại đọt từ nách thứ 9 trở đi

Sau này, khi cây đậu quả, chỉ giữ lại những nhánh đang nuôi quả, những nhánh không đậu cũng cần cắt bỏ để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

Thụ phấn: Vì trồng số lượng ít, nên chúng ta cần tiến hành thụ phấn giúp dưa lưới để tỷ lệ đậu quả cao nhất và cho quả to bự hơn.

Thời gian thụ phấn tốt nhất từ 7-10h sáng, ngắt bông đực (mọc sát nách cuống lá), ngắt bỏ cánh hoa, cầm nhị chà nhẹ vào bầu nhụy hoa cái để phấn rụng lên bầu.

Ngắt hoa đực thụ phấn cho hoa cái

Tiến hành thụ phấn cho dưa lưới

Cần thụ phấn cho 4-6 hoa cái, sau này đậu thì cắt bỏ trái bé kém phát triển, chỉ giữ lại trái to và khỏe.

Ngắt bỏ nhánh phụ ngay sau khi thụ phấn

Bạn có quan sát thấy cái đọt nhỏ bên cạnh hoa cái, ngay sau khi thụ phấn thì ngắt bỏ nó đi

Cắt bỏ ngọn: Sau khi thụ phấn cần cắt bỏ ngọn cây, đọt và nhánh phụ, để chúng tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Lúc này cây đã được 23 lá lớn.

Cắt bỏ ngọn dưa lưới sau khi thụ phấn

Sâu bệnh: Dưa lưới nếu trồng số lượng nhỏ thì rất ít sâu bệnh, nên bạn không cần lo lắng về vấn đề này.

Số quả/cây: Sau khi thụ phấn được 1 tuần, quan sát và giữ lại 1-2 trái to khỏe, các trái còn lại cắt bỏ. Theo kinh nghiệm của mình thì mỗi cây chỉ nên giữ 1 quả, sẽ to và ngọt hơn.

Dưa lưới sau 1 tuần thụ phấn

Trái dưa sau 1 tuần thụ phấn

Treo trái: Khi trái đạt kích thước từ 3 ngón tay thì cần tiến hành treo trái.

Thiết kế móc treo dưa lưới

Dùng que nhôm thiết kế một móc đôi, treo ngang cuống quả, đầu còn lại buộc vào dây và treo lên.

Dùng móc treo quả dưa lưới

Hình ảnh quả dưa lưới đã được treo

Chú ý thiết kế giàn, sàn, cọc, cây để treo trái, chứ không được treo chung vào cây, vì trái nặng quá sẽ khiến cây rớt.

Phát hiện vết nứt: Khi quả lớn bằng bàn tay trở lên, bạn phát hiện nhiều vết nứt trên quả. Đừng lo lắng! Đây là đặc điểm chung của dưa lưới, sau vài ngày nó sẽ lành, trắng ra và tạo thành lưới trên quả.

Xuất hiện vết nứt trên quả dưa lưới

Khi quả dưa xuất hiện nhiều vết nứt đều, là báo hiệu khoảng 20 ngày nữa có thể thu hoạch.

Thu hoạch: Trồng dưa lưới khoảng 80 ngày là có thể thu hoạch.

Nhận biết quả dưa lưới có thể thu hoạch

Cách nhận biết quả dưa lưới chín, tới ngày thu hoạch là trên cuống xuất hiện những đường nứt trắng kéo dài xuống quả.

Thu hoạch dưa lưới tại cây

Bổ dưa lưới ăn ngay tại cây

Chú ý, cần ngắt tưới nước 2-3 ngày trước khi thu hoạch để quả dưa lưới được ngọt hơn.

Như vậy, mình đã hướng dẫn bạn đầy đủ các bước trồng dưa lưới tại nhà bằng thùng xốp, chậu, bao tải trong sân vườn, sân thượng hoặc ban công. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn thuận lợi hơn khi thực hiện!

Bài viết được tham khảo từ các kênh Youtube Cô Sao TV, Hieu Huynh và Home & Garden