Sâu đục quả vải và cuống quả gây ảnh hưởng tới chất lượng thương phẩm, bán ra giá không được cao, phần lớn là khiến quả nhỏ, xấu, thịt không được ngọt, lại thấy phân sâu đùn ra từ hạt rất khó chịu.

Đặc điểm hình thái và sinh học của sâu đục cuống quả vải

Thuốc diệt sâu đục quả vải

Giai đoạn trứng: Trứng nhỏ nhìn giống như vảy, lúc mới đẻ màu xanh nhạt hơi vàng chút, sau chuyển dần màu vàng rơm. Khi sâu non bắt đầu nở, trên bề mặt trứng xuất hiện đường gân nổi hình mắt lưới.

Giai đoạn sâu non: Sâu non mới nở có màu và hoặc trắng tùy thuộc từng loại thức ăn trên hoa hay quả. Khi chuẩn bị hóa nhộng, sâu non chuyển màu xanh vàng nhạt. Sâu non có 5 tuổi.

Giai đoạn nhộng: Sâu non đẫy sức đục lỗ chui ra  khỏi quả vải, rồi bò lên các lá phía trên, chúng nhả tơ kết màng và hóa nhộng hình bầu dục hoặc hơi tròn.

Trưởng thành: Cơ thể có màu nâu, thân hình khá mảnh khảnh. Trên cánh trước có các đường vân zích zắc màu trắng chạy dọc xuống thân, râu dài hơn thân. Khi đậu dưới cành thì quay mặt hướng lên trời.

Đặc điểm gây hại của sâu đục cuống quả vải

Trưởng thành thường đẻ trứng trên quả, lá lộc non hoặc nụ hoa. Trên quả, trứng thường được đẻ tại các khe vỏ quả (đa số ở vị trí gần cuống 1/3 quả). Mỗi quả thường có 1-6 trứng hoặc có thể nhiều hơn trong thời gian thu hoạch quả.

Sâu non khi nở đục phần vỏ trứng, nơi tiếp xúc với nụ hoa, quả, lá rồi thâm nhập ngay vào bộ phận cần hại, do đó thường khó quan sát được lỗ đục và thời điểm sâu nở.

Ở lá lộc non, sâu non đục vào trong gân gân phụ và gân chính khiến lá bị héo.

Trên hoa, sâu non đục vào hoa rồi ăn dần xuống phần cuống hoa, cho tới khi thành thục thì đục lỗ trên cuống hoa chui ra ngoài làm nhộng trên các lá phía dưới chùm hoa bị hại, khiến lá héo hoặc gẫy rụng.

Sâu đục quả vải

Trên quả, từ khi quả còn nhỏ đến lúc hình thành cùi, sâu non đục vào trong hạt và ăn hết cơm hạt.

Sang giai đoạn hình thành cùi đầy đủ cho tới khi thu hoạch, sâu non đục vào tới lớp cùi rồi ăn dần lên phần thịt xung quanh cuống quả nên khiến quả dễ bị rụng, dễ nhầm lẫn với hiện tượng rụng quả do sinh lý.

Sâu đục cuống quả là đối tượng gây hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng quả nếu không tiến hành phòng trừ kịp thời và đúng cách.

Biện pháp phòng trừ sâu đục cuống quả vải

Thường xuyên kiểm tra vườn, cắt bỏ, tỉa tạo tán để cây thông thoáng, nhổ bỏ cỏ dại, lá cây mục tủ quanh gốc, định kỳ thu gom tiêu hủy các cành và quả bị sâu hại.

Tiến hành phun thuốc trừ sâu đục cuống quả vải ngay khi phát hiện mật độ trưởng thành từ 1-2 con/cành (đối với vải chín sớm) và 2-3 con/cành (đối với vải chính vụ). Nên dùng một trong các loại thuốc sau: Tasieu 5WG hoặc 1.9EC; Virtako 40WG; DuponTM Prepathon 5SC, Angun 5WG… Phun lúc chiều mát, phun kỹ ở tán lá, trong tán cây và cành thấp.

Khi phát hiện con trưởng thành tới đẻ trứng thành sâu non, thì phun ngay các thuốc như Abamectin, Aradirachtin, Emamectin Benzoate hoặc Diafenthiuron. Phun 1-2 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần.

Sâu đục cuống quả vải

Thời điểm phun thuốc phòng trừ: Quan trọng nhất là giai đoạn hình thành quả và khi quả bắt đầu đỏ cuống. Đối với vải sớm thì thời gian từ 10/3 – 15/3 và 20/4 – 25/4 . Đối với vải chính vụ thì thời gian từ 10/4 – 20/4 và 15/5 – 30/5 hàng năm (trước khi thu hoạch 15 – 20 ngày).

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  tuân thủ nguyên tắc 4 đúng. Phun luân phiên các loại thuốc, nên ưu tiên các thuốc đặc hiệu và thuốc chọn lọc có tác động tiếp xúc, ít gây độc hại và có thời gian phân hủy ngắn.

Đối với thuốc có thời gian phân hủy dài phải phun trước giai đoạn quả vải bắt đầu đỏ cuống để bảo đảm thời gian cách ly, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong thời gian chăm sóc và thu hoạch cần kết hợp phát quang bụi rậm, cắt tỉa các cành sau thu hoạch 15 ngày để kiểm soát số lượng lộc lá, đồng thời làm tăng khả năng ra hoa và làm giảm nơi cư trú của sâu đục cuống quả.

Hiện nay, sâu đục cuống quả và quả đang phát sinh gây hại mạnh ở các vườn vải chín sớm giai đoạn quả non. Vì vậy, bà con chú ý thực hiện tốt việc phòng trừ sâu đục cuống quả kịp thời, tránh việc rụng quả hàng loạt sẽ ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng quả vải sau này.