Trên mỗi loại cây trồng, bệnh sẽ có các biểu hiện, thời gian phát triển và mức độ gây hại khác nhau. Do đó, thuốc trừ bệnh sương mai sẽ có yêu cầu liều lượng và cách thức phun khác nhau.
Để rõ hơn về loại sâu bệnh hại này, Fao mời bà con tham khảo nội dung cụ thể bên dưới đây.
Mục Lục
Bệnh sương mai trên bầu bí
Triệu chứng gây hại bầu bí:
Bệnh gây hại chủ yếu trên lá bầu bí. Ở mặt trên lá, đốm bệnh ban đầu nhỏ, có màu xanh nhạt, sau đó chuyển dần sang màu vàng rồi màu nâu nhạt và thường bị giới hạn giữa các gân phụ của lá, do đó đốm bệnh có dạng hình góc cạnh.
Sáng sớm ẩm ướt, ở mặt dưới lá nơi vết bệnh có lớp tơ nấm màu vàng nhạt hoặc màu trắng. Lá bị vàng khi có nhiều đốm, các đốm này sẽ liên kết lại tạo thành các vùng cháy màu nâu nhạt và mô bệnh dễ bị rách.
Cây nhiễm nặng có thể chết. Trái ít bị tấn công, tuy nhiên trái sẽ nhỏ và có vị nhạt.
Phát sinh gây hại bầu bí:
Bệnh thường phát triển mạnh ở điều kiện ẩm độ cao, mưa nhiều hoặc có nhiều sương vào ban đêm, từ khi cây lớn đến khi thu hoạch quả.
Biện pháp phòng ngừa bệnh sương mai trên bầu bí:
☑ Cần chọn những giống ít nhiễm để trồng.
☑ Vun luống đất cao, thoát nước nhanh khi có mưa.
☑ Trồng mật độ không quá dày, không bón nhiều phân đạm.
☑ Ngắt bỏ lá sâu bệnh, lá già, dùng màng phủ đất, tránh để lá gốc tiếp xúc đất.
Thuốc trừ bệnh sương mai trên bầu bí:
Phun thuốc để ngừa hoặc khi mới xuất hiện bệnh từ khi cây dưa có 3 – 4 lá thật. Phun ướt đều hai mặt lá, đậm hơn ở mặt dưới lá. Phun 2 – 3 lần cách nhau 7 ngày/lần.
Sử dụng một trong các loại thuốc: Aviso 350SC 30-40 ml/16 lít nước, Bonny 4SL 30-40 ml/16 lít nước, Manozeb 80WP 80 g/16 lít nước, Gekko 20SC 15-20 ml/20 lít nước hoặc Ridozeb 72WP 80 g/16 lít nước.
Bệnh sương mai trên dưa leo
Triệu chứng gây hại dưa leo:
Triệu chứng đặc trưng của bệnh sương mai trên dưa leo thường thể hiện rõ nhất ở trên lá là các đốm nhỏ màu nâu nhạt hoặc màu xanh vàng, hình đa giác hoặc hình bất định, nằm rải rác hoặc nằm dọc các gân lá.
Bệnh lây lan rất nhanh, nhiều vết liên kết với nhau khiến lá bị vàng khô cháy, nhanh tàn. Bệnh có thể lây lan ra cả thân, cành, hoa, quả.
Khi gặp thời tiết ẩm ướt, mô bệnh thường hình thành chỗ mặt dưới lá đó là một lớp nấm mốc màu trắng bông xốp tựa như lớp sương muối.
Nguyên nhân gây bệnh sương mai trên dưa leo:
Nguyên nhân gây bệnh là nấm Pseudoperonospora cubensis Rostovtzev. Là một loại nấm ký sinh chuyên tính (ngoại ký sinh), hình thành bào tử phân sinh và rất dễ lan truyền bệnh nhờ nước mưa, gió, nước tưới trong điều kiện độ ẩm cao (mưa phùn, mưa nhỏ hoặc giọt sương…) và có nhiệt độ thích hợp (nhiệt độ không khí trong khoảng > 20 độ C).
Điều kiện thời tiết vụ đông xuân miền Bắc nước ta (từ tháng 11 đến tháng 3) rất thuận lợi cho sương mai phát triển, nhất là gặp các đợt rét, nhiệt độ giảm thấp và mưa ẩm kéo dài. Nấm gây bệnh chủ yếu tồn tại ở dạng sợi nấm và bào tử.
Bệnh phát triển phá hại nặng trên các ruộng dưa chuột quá ẩm ướt, bón phân NPK không cân đối, đặc biệt trong điều kiện thiếu hụt dinh dưỡng vi lượng, kém chăm sóc, không chú ý vệ sinh đồng ruộng ở giai đoạn cây đang sinh trưởng và sau khi thu hoạch.
Do đặc tính sinh trưởng, sinh lý cây dưa chuột cần có một lượng nước lớn và lượng dinh dưỡng bổ sung rất cao (đặc biệt là đạm), đây là hai yếu tố khiến cây dưa chuột hay bị nhiều loại bệnh phá hại.
Biện pháp phòng ngừa sương mai trên dưa leo:
☑ Chọn giống tốt, lấy giống từ các ruộng không bị bệnh.
☑ Cần xử lý hạt giống bằng thuốc hoá học.
☑ Dọn sạch tàn dư thân, cành, lá, cây bị nhiễm bệnh (ngắt bỏ những lá mang bệnh nặng trong thời kỳ sinh trưởng và vệ sinh đồng ruộng sau mỗi lần thu hoạch).
☑ Chú ý bón đủ phân chuồng đã hoai mục ở thời kỳ trước khi trồng. Sau khi trồng định kỳ tưới thúc phân cân đối N. P. K.
☑ Có thể bổ sung phân đạm qua lá Bayfolan khoáng chất 11 – 8 – 6. Phun lần 1 trước khi cây ra hoa một tuần (khoảng 3 tuần sau khi trồng), sau đó phun lần hai sau lần một 14 ngày với liều lượng 25ml Bayfolan/bình 8 lít hoặc 50ml/bình 16 lít.
Thuốc trị bệnh sương mai trên dưa leo:
Khi phát hiện sớm bệnh sương mai trên lá dưa chuột, cần kịp thời dùng thuốc Nativo 750WG (liều lượng 120g/ha) luân phiên hoặc phun kết hợp với thuốc Antracol 70WP (liều lượng 3kg/ha).
Có thể luân phiên hoặc thay thế 2 loại thuốc trên bằng thuốc Melody DUO 66,75WP (liều lượng 1,5g/ha) hoặc Aliette 800WG (liều lượng 1,5kg/ha).
Thuốc Nativo 750 WG và Antracol 70WP không chỉ có khả năng phòng trừ tốt bệnh sương mai giả mà còn có tác dụng ngăn chặn và diệt trừ tốt các bệnh nấm hại khác trên cây dưa chuột.
Bệnh sương mai trên cà chua
Triệu chứng gây hại cà chua:
Bệnh có thể gây hại ở hầu hết các bộ phận của cây từ thân, cành, lá cho đến hoa và trái.
Trên lá: Ban đầu vết bệnh có hình bán nguyệt hoặc tròn, mầu xanh tối, sau đó phát triển rộng dần thành hình dạng bất kỳ.
Chỗ nhiễm bệnh sau đó bị chết và chuyển sang màu nâu đen. Nếu nặng, nhiều vết liên kết lại với nhau khiến cho lá bị thối hoặc chết khô, mặt dưới sẽ lá mọc ra một lớp nấm mầu trắng (nếu ẩm ướt).
Trên thân, cành: Ban đầu vết bệnh có hình bầu dục nhỏ, nếu gặp thời tiết thuận lợi, sẽ lan rộng dần bao quanh và kéo dài dọc theo thân cành, chỗ bị bệnh hơi lõm xuống và úng nước, mầu nâu đậm, tóp nhỏ lại, dễ gẫy.
Trên hoa: Bệnh xuất hiện trên đài hoa, sau đó lan dần ra cánh hoa, nhị hoa. Nếu cuống hoa bị bệnh sẽ khiến cho cả chùm hoa bị rụng.
Trên trái: Ban đầu vết bệnh chỉ là một điểm nhỏ trên núm hoặc vỏ quả màu nâu nhạt, sau chuyển dần sang màu nâu đen rồi lan ra khắp bề mặt quả. Thịt quả trở nên khô cứng, vỏ thì xù xì lồi lõm. Nếu ẩm độ không khí cao, trên vết bệnh cũng mọc lên những lớp nấm trắng xốp, về sau trái bị thối đen nhũn.
Bệnh có thể xuất hiện và gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây cà chua, nhưng thường hại nhiều từ khi cây giao tán trở đi (vì thời điểm này ruộng cà bị bít bùng, ẩm độ không khí trong ruộng rất cao, rất thuận lợi cho bệnh phát triển mạnh).
Phát sinh gây hại cà chua:
☑ Bệnh thường phát triển mạnh khi gặp thời tiết ẩm và mát, nhiệt độ 18 – 22 độ C, có một thời gian nhiệt độ xuống thấp 12 – 15 độ C, có nhiều sương và mưa.
☑ Bệnh gây hại nặng trong vụ Đông Xuân trên các cây cà chua, khoai tây và nhiều cây trồng khác.
☑ Sợi nấm lưu tồn trên tàn dư cây bệnh, gặp gió và mưa dễ lây lan trên diện rộng.
Biện pháp phòng ngừa bệnh sương mai trên cà chua:
☑ Vệ sinh sạch ruộng đồng, thu gom và tiêu hủy tàn dư cây bệnh.
☑ Nên trồng các giống có khả năng chống chịu với bệnh.
☑ Bón vôi, phân gà, phân hữu cơ trước khi gieo trồng.
☑ Luân canh với loại cây trồng khác, không luân canh với khoai tây.
☑ Tỉa bỏ bớt lá già ở dưới gốc, tạo giàn leo cho ruộng cà chua luôn thông thoáng, giúp giảm bớt độ ẩm trong ruộng.
☑ Lên luống đất hình mai rùa để không bị đọng nước mỗi khi gặp mưa hoặc tưới nhiều.
☑ Không lấy hạt ở các ruộng đã bị bệnh để làm giống cho vụ sau, vì bệnh có thể truyền qua hạt giống.
☑ Không nên trồng quá dầy để ruộng cà luôn thông thoáng.
☑ Ở những nơi thường bị bệnh gây hại nặng hàng năm, nên chọn thời điểm trồng né tránh khoảng thời gian có điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh.
☑ Không nên trồng cà chua, khoai tây liên tiếp nhiều năm. Sau khi trồng vài vụ nên luân canh vài vụ với cây trồng khác như bắp, mía…
☑ Khi gặp đợt gió lạnh kèm theo sương giá hoặc mưa phùn nên phun thuốc phòng bệnh.
Các loại thuốc phòng như: Aviso 350SC 30-40 ml/16 lít nước, Bonny 4SL 30-40 ml/16 lít nước, Manozeb 80WP 80 g/16 lít nước, Gekko 20SC 15-20 ml/20 lít nước, Ridozeb 72WP 80 g/16 lít nước.
Thuốc đặc trị bệnh sương mai trên cà chua:
Cần kiểm tra ruộng cà chua thường xuyên. Khi phát hiện bệnh sớm, mà thời tiết lại đang thuận lợi cho bệnh thì dùng luân phiên hai loại thuốc Dipomate 80WP hoặc Mexyl MZ 72WP phun xịt để phòng trị bệnh (cả hai loại đều pha với tỷ lệ 35-40 gram/bình 8 lít), phun 5 bình cho 1.000m2. Nên phun 2-3 lần cách nhau từ 5-7 ngày.
Ngoài khả năng phòng bệnh, thuốc Dipomate 80WP còn cung cấp lượng mangan và kẽm cho cây, nên sẽ giúp cho cây xanh tốt hơn. Thuốc Mexyl MZ 72WP có tác động tiếp xúc và nội hấp, nên vừa giúp phòng, vừa có tác dụng trị bệnh, hiệu lực trừ bệnh nhanh và kéo dài.
Bệnh sương mai trên ớt
Triệu chứng gây hại ớt:
☑ Bệnh phát sinh gây hại ở mọi giai đoạn sinh trưởng và trên hầu hết bộ phận của cây (thân, nhánh, lá và trái).
☑ Nấm xâm nhập vào cổ rễ tạo thành vết có màu nâu đậm, lan dần lên phía trên thân làm cây bị vàng lá và héo.
☑ Nước tưới hoặc nước mưa làm nguồn nấm văng xung quanh gây bệnh cho thân, lá và quả.
Trên thân: Vết bệnh màu nâu đậm, chủ yếu xuất hiện ở các nhánh bị héo.
Trên lá: Vết bệnh ban đầu là những đốm nhỏ màu xanh đậm, sau lớn lên thì không có hình dạng nhất định, khô đi và biến màu nâu nhạt.
Trên trái: Bệnh tạo thành các đốm có màu xanh lục, hơi ướt, sau lan rộng rộng bao phủ cả trái, làm trái thối mềm và nhăn nheo.
Cây con: Khi bị bệnh có thể cháy ngọn và chết rạp.
Điều kiện phát triển bệnh hại ớt:
☑ Nấm phát triển thích hợp ở nhiệt độ từ 22 – 25 độ C. Sợi nấm dễ chết khi gặp nhiệt độ cao (ở 40 độ C sau 4 giờ).
☑ Nấm tồn tại trên hạt giống và tàn dư cây bệnh để lan truyền gây bệnh cho cây vụ sau.
☑ Trên cánh đồng, bệnh phát triển mạnh khi gặp điều kiện mưa nhiều, đất ẩm ướt.
☑ Ngoài ớt, nấm còn phá hại cây khác như: Cà chua, cà tím, bầu, bí, dưa…
Biện pháp phòng trừ bệnh sương mai trên ớt:
☑ Làm luống cao giúp thoát nước.
☑ Loại bỏ sớm cây con và những lá bị bệnh nặng.
Thuốc đặc trị bệnh sương mai trên ớt:
Các thuốc đặc trị nấm Phytophthora sp đạt hiệu quả cao là Alpine 80WG, Mexyl MZ 72WP, Treppach Bul 607SL,…
Bệnh sương mai trên cây hoa hồng
Triệu chứng gây hại hoa hồng:
Bệnh sương mai là một bệnh rất phổ biến, người trồng hoa hồng lâu năm sẽ gặp bệnh lặp lại nhiều lần, thường xuyên phải đối mặt và chiến đấu với bệnh sương mai ở hoa hồng.
Trên lá, vết bệnh lan rộng từ màu đỏ tía đến nâu sẫm, hình thù linh động, nhìn như vết bỏng. Lá non cong lại màu vàng, bào tử màu xám chỉ phát triển ở mặt dưới của bộ lá.
Khi bệnh nặng có thể làm lá rụng hang loạt, khiến cây chậm phát triển, còi cọc, lá nhỏ, khả năng bật chồi và ra hoa kém hẳn.
Nguyên nhân gây bệnh sương mai trên hoa hồng:
☑ Do nấm Peronospora sparsa gây ra.
☑ Nấm bệnh phát triển mạnh khi gặp điều kiện ẩm và mát.
☑ Thời điểm thích hợp là vào mùa đông khi có những đợt nồm ẩm, hoặc vào mùa xuân, hoặc vào mùa hè mà bị mưa nhiều, nhiệt độ giảm mát thường là điều kiện tốt để nấm sinh sôi và phát triển.
Biện pháp phòng ngừa bệnh sương mai trên hoa hồng:
☑ Luôn có chế độ cắt tỉa lá bệnh, vàng, lá chết, hoa tàn, cành khô, cành chết, cành bệnh định kỳ.
☑ Sau khi cắt tỉa, thu gom toàn bộ rác đem ra bãi rác đốt, sau đó quét dọn vườn sạch sẽ, vườn hồng luôn được đảm bảo sạch sẽ thông thoáng thì sẽ ít bị nấm bệnh.
☑ Để cây, sắp xếp cây trong vườn sao cho mật độ hợp lý, thông thoáng, không quá chật chội, không sắp xếp cây 2 tầng tán tránh mất ánh sáng trực tiếp vào tầng dưới, điều này giúp tránh được ủ mầm bệnh, vì bệnh rất kỵ nắng trực tiếp, chỉ cần gặp nhiệt độ trên 27 độ C là nấm tự động chết, bệnh sẽ tự động khỏi.
☑ Chú ý theo dõi chuyển biến thời tiết để chủ động trong việc phòng bệnh: Trong việc theo trồng và chăm sóc hoa hồng thì việc nắm bắt tiết trời theo mùa là vô cùng quan trọng, và đặc biệt là luôn phải đọc, xem bản tin thời tiết để có sự chuẩn bị ít nhất 3 ngày đến 1 tuần.
Ví dụ nếu hôm nay thời tiết báo sẽ có một đợt mưa phùn sau 3 ngày nữa và kéo dài khoảng 3 – 4 ngày trời mới khô ráo trở lại, thì ngay lập tức cần bấm tỉa, dọn dẹp sạch sẽ và tiến hành phun thuốc phòng bệnh trước khi có mưa về.
Nhiệt độ phù hợp cộng với mưa ẩm ướt kéo dài sẽ sinh nấm gây bệnh, tuy nhiên vườn đã sạch sẽ và cây được phun thuốc phòng, nên sau vài ngày trời khô ráo trở lại và toàn bộ cây trong vườn hồng vẫn khỏe mạnh và không bị mắc bệnh.
Thuốc trừ bệnh sương mai trên cây hoa hồng:
Có thể dùng các loại thuốc sau để phòng trừ:
☑ Lprovalicarb + Propineb (Melody duo 66.75WP)
☑ Cucuminoid + Gingerol (Stifano 5.5SL)
☑ Eugenol (Genol 0.3SL, 1.2SL)
☑ Ethaboxam (Danjiri 10SC)
☑ Melody duo 66.75WP
☑ Genol 0.3SL, 1.2SL
☑ Stifano 5.5SL
☑ Danjiri 10SC
Lưu ý: Sử dụng luân phiên thuốc giúp tăng tính hiệu quả, kèm thêm chất bám dính tăng hiệu quả lâu dài của thuốc.
Trên đây là đề xuất của Fao về một số cách trị bệnh sương mai trên các cây trồng cụ thể. Ngoài ra, bệnh còn gây hại cho rất nhiều loại cây trồng khác. Ở mỗi loại cây trồng, lại có các phương pháp phòng trị khác nhau.
Phương pháp mà Fao để xuất cũng không phải là duy nhất. Vì vậy, bà con nên tham khảo thêm lời khuyên từ các kỹ sư nông nghiệp, các công ty Phân bón & thuốc bảo vệ thực vật hoặc người bán thuốc bvtv gần nơi bà con sinh sống nhất.