Sâu đục quả là loại sâu hại rất khó phát hiện nếu không có biện pháp phòng ngừa sớm, để tới lúc chúng ăn sâu vào trong trái thì rất khó diệt. Đặc biệt, sâu ăn quả nhãn, vải, xoài, chôm chôm, bưởi, sầu riêng, đậu nành, điều… khiến bà con nông dân rất lo lắng.

Tình trạng sâu đục quả hiện nay

Anh Hoàng nhà ngay dưới chân đồi, tiện có mảnh vườn diện tích một sào sau nhà, anh mua cây giống bưởi diễn về trồng.

Được 2 năm cây bắt đầu kết trái, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên toàn bộ quả bị sâu đục, cả vụ 200 gốc chỉ thu được vài chục quả lành lặn.

Sâu đục quả bưởi 2

Rút kinh nghiệm vụ sau, khi cây bắt dầu ra hoa kết trái, anh phun tất cả loại thuốc phòng ngừa sâu bệnh có thể. Kết quả vụ đó năng suất hơn hẳn, bà con xung quanh đều tìm đến học hỏi anh.

Giờ đây cả xã đã đều trồng bưởi mỗi năm mang về doanh thu khủng, cải thiện kinh tế rõ rệt.

Sâu đục quả là gì

  • Sâu đục trái có tên khoa học là Conopomorpha cramerella.
  • Tên tiếng Anh là Cacao moth, Cocoa moth, Javanese cocoa moth, Rambutan borer, Ram-ram borer.
  • Tên tiếng Tây Ban Nha là Polilla javanesa del cacao.
  • Tên tiếng Pháp là Teigne javanaise du cacaoyer.

Là loại sâu nở từ ấu trùng của thành trùng, sau khi nở, chúng đục vào ăn phần thịt của trái cây, gây hư hại và giảm năng suất thu hoạch của bà con.

Đặc điểm hình thái của sâu hại cây ăn quả:

Vòng đời sinh trưởng của sâu đục quả 2

Vòng đời sinh trưởng của sâu đục quả kéo dài 28-45 ngày, trong đó:

Giai đoạn trứng: Từ 2-7 ngày đầu, trứng hình bầu dục dẹp, kích thước tầm 2mm, mới đẻ màu trắng sữa, sau chuyển màu vàng.

Trứng đẻ đơn lẻ trên từng quả ở bất cứ vị trí nào trên bề mặt vỏ quả. Khi sắp nở, trứng chuyển thành màu trắng đục, vỏ màu trắng bên trong có màu đen.

Giai đoạn sâu non: Từ 14-20 tiếp theo, ấu trùng sâu đục trái dài từ 10-22mm, sâu non màu hồng tím hoặc hồng, thân màu trắng ửng hồng, đầu nhỏ màu nâu đen; có 2 đốt ngực (giữa và trước) và 2 đốt thân ở cuối đuôi có màu trắng hơi hồng, các đốt còn lại thì màu hồng.

Mỗi đốt sống lưng có tới 4 đốm nâu nhạt, trong đó 2 đốm trên to, 2 đốm dưới thì dài và hẹp, có lông cứng nhỏ trên mỗi đốm, mỗi một đốm nhỏ có màu nâu ở bên hông cơ thể, lỗ thở có màu đen.

Giai đoạn nhộng: Từ 10-14 ngày tiếp theo, nhộng dài 6-8mm, màu nâu nhạt được bao bọc bởi một lớp kén bằng tơ, chuẩn bị vũ hóa thì chuyển màu nâu sậm, sâu thường hoá nhộng tại kẻ trái hoặc nơi tiếp giáp giữa 2 trái.

Giai đoạn sâu trưởng thành: Từ 2-4 ngày, thành trùng sâu đục trái trưởng thành là loài ngài nhỏ, sải cánh có chiều dài 14-25 mm, chiều dài thân 6mm, toàn thân và cánh màu nâu nhạt, trên cánh chứa nhiều chấm đen, râu và chân rất dài.

Cánh trước mang hình lá liễu thon dài có những vân trắng, cánh sau thì hình dùi, rìa cánh mang nhiều lông tơ.

☑ Bướm hoạt động mạnh nhất vào ban đêm, chúng bám trên chùm hoa hút mật và đẻ trứng trên trái non. Trưởng thành, giao phối, đẻ trứng vào ban đêm. Một trưởng thành cái có khả năng đẻ từ 50-100 trứng trong một vòng đời.

☑ Ban ngày trưởng thành thường trú trên các nhánh của cây. Màu sắc khá giống với vỏ thân cây nên rất khó phát hiện.

Đặc điểm gây hại của sâu đục trái

Con cái hoạt động vào ban đêm, đẻ trứng rải rác quanh khu vực cuống (hoặc trên thân) của những trái còn non. Sau khi nở, sâu non đục vỏ trái chui vào bên trong và ăn phá phần thịt trái, đặc biệt chúng rất thích ăn phần hột và phần thịt trái ở xung quanh hột.

Sâu tấn công và gây hại từ khi trái còn rất nhỏ (trái bằng ngón tay cái) đến trái lớn, sắp thu hoạch và gây thiệt hại nặng nhất vào lúc trái sắp thu hoạch.

Sâu khoang đục quả cà chua

Tại những lỗ đục sâu đùn phân ra ngoài. Nếu gặp nước mưa hoặc môi trưởng có ẩm độ không khí cao, xung quanh lỗ đục sẽ bị thối và chuyển dần thành màu nâu đen.

Khi bị sâu hại, trái thường bị thối rất nhanh. Khi đủ sức sâu lớn cỡ đầu chân nhang, chui ra ngoài để làm nhộng trong các lá khô xung quanh hoặc nơi tiếp giáp giữa các trái hoặc trên bề mặt trái.

Khác với sâu đục cuống, sâu đục quả đục ở nhiều vị trí khác nhau trên quả, đối với một số quả (quả táo) chỗ vết đục trên vỏ trái hơi nổi u, muốn biết đó có phải là đường đục hay không chỉ cần lấy dao gọt lớp vỏ mỏng sẽ thấy có đường đục màu nâu tối bên trong.

Ngoài những lỗ đục nhỏ như vậy còn có thể gặp những lỗ đục lớn hơn đầu chân nhang, do loại sâu đã lớn tuổi chui ra từ trái khác đục chui vào. Bổ đôi trái bị hại sẽ thấy xuất hiện những con sâu non nằm bên trong (có trái có đến 4, 5 con).

Biện pháp phòng trừ sâu đục quả

Về cơ bản, chúng ta có các phương pháp xử lý sâu ăn quả gồm: Phòng ngừa trước khi xuất hiện bệnh, dùng thiên địch và biện pháp diệt trừ khi phát hiện sâu bệnh.

1. Biện pháp canh tác phòng ngừa sâu đục quả

☑ Cần thu hoạch trái triệt để để loại bỏ tất cả các tàn dư đã bị sâu tấn công ra khỏi khu vực canh tác, từ đó phá vỡ chu kỳ gây hại của chúng.

☑ Dùng túi nilon để bao trái hạn chế trưởng thành đẻ trứng trên vỏ quả, đồng thời bảo vệ trái khỏi sự tấn công của những loài sâu hại khác. Túi được cắt đáy để thông gió và sẽ được giữ trong suốt thời kì sinh trưởng của quả cho đến lúc thu hoạch.

☑ Bón phân đầy đủ, cân đối để cây luôn khỏe mạnh, quả to và có vỏ cứng để làm suy giảm khả năng xâm nhập của sâu.

2. Dùng thiên địch của sâu đục trái

Trong tự nhiên trứng sâu đục trái Conomorpha cramerella bị ký sinh bởi ong ký sinh họ Trichogrammatidae và kiến diệt trừ.

Vì vậy, nếu tạo điều kiện thuận lợi cho các loài này phát triển cũng giảm được thiệt hại do sâu gây ra.

3. Phun thuốc phòng ngừa sâu đục trái

Có thể phòng trị bằng các loại thuốc như Sago super 10EC 25-30cc/8lít, Fenbis 25EC 30-35cc/8lít, Karate, Cymbush, Polytrin…

4. Thuốc trị sâu đục trái

Khi thấy bướm vào vườn đẻ trứng hoặc phát hiện sâu non còn nhỏ bên ngoài quả, hãy dùng các thuốc như Brightin 1.8EC, Cyperan 5EC, Map Permethrin 50EC. Hoặc các thuốc vi sinh như Dipel 3,2 WP, Biocin 16 WP, Vi BT 32000 WP.

Khi sâu đã lớn và chui vào trong trái, việc phun thuốc gần như không hiệu quả mà lại ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Vì vậy, cần phát hiện và phun thật sớm.

Chú ý: Thuốc trừ sâu đục quả vi sinh chỉ hiệu quả với sâu non, không có nhiều tác dụng với trứng, nhộng và bướm. Cơ chế thuốc là đầu độc sâu, nên chỉ khi sâu ăn quả mới có tác dụng, do đó cần phun ướt đều lên chỗ sâu ăn.

Có thể pha với các chất bám dính để giúp tăng hiệu quả, phun vào chiều mát là tốt nhất để hạn chế phân hủy thuốc do ánh nắng mặt trời.

BẠN CÓ THỂ THẮC MẮC VỀ BÀI VIẾT, VUI LÒNG ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN BÊN DƯỚI HOẶC GỬI THÔNG TIN CHO CHÚNG TÔI THEO FORM BÊN DƯỚI ĐÂY:

GỬI CÂU HỎI