Để xác định phân bón có đảm bảo chất lượng hay không, không chỉ phụ thuộc vào hàm lượng dinh dưỡng mà nó cung cấp mà còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi công nghệ sản xuất.
Hiện nay, công nghệ sản xuất phân bón đang ngày càng phát triển và cải tiến, cho ra đời nhiều thế hệ phân bón vừa nâng cao chất lượng, vừa an toàn với môi trường.
Để biết được đó là những công nghệ nào và sản phẩm phân bón của công nghệ đó có chất lượng ra sao, thì mọi người hãy cùng Fao tìm hiểu về các công nghệ để sản xuất phân bón nhé.
Mục Lục
- 1, Công nghệ sản xuất phân bón nano hydroxyapatite (HA)
- 2, Công nghệ sản xuất phân bón urê hóa lỏng
- 3, Sản xuất phân bón NPK công nghệ tháp cao
- 4, Công nghệ sản xuất phân bón tan chậm có kiểm soát
- 5, Sản xuất phân bón công nghệ hơi nước
- 6, Sản xuất phân bón tạo hạt bằng nén ép
- 7, Sản xuất phân bón với phương pháp phối trộn các thành phần rời
1, Công nghệ sản xuất phân bón nano hydroxyapatite (HA)
Đây là phương pháp được thực hiện bằng cách bọc các phân tử urê bằng nano hydroxyapatite (HA) – một chất khoáng trong mô của cơ thể động vật và người, được xem là thân thiện môi trường.
Ưu điểm:
- Khắc phục tình trạng sau khí bón phân urê bị nhanh hòa tan trong đất ẩm (hạn chế khả năng hấp thu chất dinh dưỡng cho cây), việc tiến hành bọc urê bằng nano HA giúp làm giảm tới một nửa lượng phân bón cần dùng.
- Trong môi trường nước, sự thủy phân của urê và HA để sinh ra nitơ diễn biến rất chậm, chỉ bằng 1/12 lần so với urê khi không bọc.
- Giúp cải thiện môi trường nông nghiệp một cách lâu dài, bền vững.
2, Công nghệ sản xuất phân bón urê hóa lỏng
Là một thành tựu công nghệ mới được ứng dụng phổ biến. Với công nghệ sản xuất phân bón này sẽ cho ra các sản phẩm phân bón NPK dạng một hạt có tổng hàm lượng hàm lượng đạm cao hay dinh dưỡng cao.
Ưu điểm:
- Khắc phục được nhược điểm là giới hạn tỷ lệ urê thấp, dẫn đến tổng hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón thấp mà các công nghệ phổ biến khác hay mắc phải.
- Có thể đưa avail vào lân để giảm 30% lượng bón, đưa hoạt chất agrotain vào đạm.
- Hạt phân chắc và bóng đẹp, hàm lượng đạm và tổng hàm lượng dinh dưỡng được nén cùng trong 1 viên.
- Sản phẩm phù hợp với đất đất chứa nhiều lưu huỳnh hay đất chua do chúng có khả năng giảm được hàm lượng lưu huỳnh trong hạt phân.
- Dây chuyền sản xuất phân bón thực hiện bổ sung thêm nhiều hoạt chất nhằm giảm thất thoát trong quá trình phân hủy, giảm ô nhiễm môi trường, giảm lượng phân bón, giảm chi phí sử dụng và tăng năng suất cho cây trồng.
- Sản phẩm không bị vón cục, nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng khả năng hấp thụ cho cây.
- Loại trừ được những loại NPK làm giả gây thiệt hại cho người trồng.
3, Sản xuất phân bón NPK công nghệ tháp cao
Đây là công nghệ sản xuất phân bón theo phương pháp hiện đại, được ứng dụng để sản xuất ở nhiều nước trên thế giới.
Nguyên liệu sản xuất phân bón gồm có: Đạm Urê, Kali trắng, MAP, CaCO3 và các nguyên tố vi lượng khác được trộn đều với nhau. Sau đó sẽ được chuyển sang tháp tạo hạt NPK.
Lúc này, các nguyên liệu được đun nóng và duy trì ở một nhiệt độ cố định, nguyên liệu chính được sử dụng là Urê sẽ nóng chảy hòa trộn cùng với các nguyên liệu khác để tạo thành khối dịch gần như đồng nhất.
Sau đó, khối dịch tự động sẽ dần được xả xuống máy tạo hạt ly tâm. Lúc này tạo thành các hạt dịch bắn ra và rơi tự do trong không khí bên trong lòng tháp, những hệ thống quạt gió có tốc độ cực lớn thổi từ dưới lên làm giảm đi tốc độ rơi và làm hạt khô trước khi rơi xuống sàng phân loại.
Các hạt tròn và khô sẽ dần dần rơi xuống sàng phân ly để phân loại sản phẩm, các hạt đạt chuẩn yêu cầu thì được chuyển tiếp đến hệ thống phun bao màng tránh bị vón cục phân bón.
Ưu điểm:
- Hạt phân sẽ bóng đẹp, tròn đều và có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt có độ đạm từ 20% trở lên, cao hơn hẳn so với các loại phân bón khác.
- Tạo ra những sản phẩm phân bón hỗn hợp có thể hòa tan (100%) trong nước theo các tỷ lệ khác nhau, tổng hàm lượng NPK có thể đạt tới 60 đến 65% và sử dụng thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt.
Nhược điểm
- Sản phẩm bị phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và công nghệ
- Không thể sản xuất ra những sản phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng thấp
4, Công nghệ sản xuất phân bón tan chậm có kiểm soát
Công nghệ lý – hóa đặc biệt có thể tạo ra những hạt phân chứa tổng hợp đầy đủ nhất các chất dinh dưỡng đa lượng, vi lượng và trung lượng.
Cấu tạo của hạt phân bón chậm tan có kiểm soát gồm có: Phần vỏ bọc là những lớp polymer với các độ dày khác nhau; phần nhân gồm các khoáng chất như P, K, N, Mn, Boron…
Sau khi đã tiến hành bón phân, nước sẽ thấm dần qua lớp bọc polymer đi vào sâu bên trong hạt phân; các nguyên tố khoáng chất được hòa tan vào nước ở trong lớp bọc polymer.
Nước tiếp tục làm nhiệm vụ thẩm thấu qua lớp polymer đi vào bên trong của hạt phân và trong thời gian đó, những nguyên tố khoáng đã hòa tan sẽ khuếch tán qua lớp polymer và đi ra môi trường xung quanh.
Các nguyên tố khoáng này có vai trò là nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. Giai đoạn phân giải những phần tử khoáng hòa tan bên trong hạt phân vẫn tiếp tục diễn ra cho tới khi các phần tử này khuếch tán hết ra môi trường bên ngoài, chỉ còn lại nước và lớp bọc polymer.
Ưu điểm:
- Lượng chất dinh dưỡng nằm trong các hạt phân này được phân giải một cách khoa học, từ từ cho tất cả các cây trồng trong khoảng thời gian từ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng… cho tới 24 tháng.
- Không ảnh hưởng tới nguồn đất và môi trường.
5, Sản xuất phân bón công nghệ hơi nước
Những nguyên liệu để sản xuất phân bón được trộn đều với nhau sau đó đưa hỗn hợp vào máy tạo hạt. Trong máy tạo hạt thùng quay các nguyên liệu được phối hợp hỗn hợp và kết dính với nhau nhờ ure hóa lỏng và hơi nước.
Sau khi đã tiến hành trộn đều và tạo thành các cốt hạt, các hạt này sẽ được chuyển sang máy sấy thùng quay, bán các thành phẩm trong máy sấy vừa được tạo thành hạt vừa được sấy khô sau đó chuyển sang sàng phân loại và máy làm nguội.
Các hạt không đúng kích thước sẽ dùng để nghiền nhỏ và tái chế, các hạt đạt kích thước thì chuyển sang máy đánh bóng (giúp hạt bóng hơn và chống đóng tảng), cuối cùng là tới hệ thống đóng bao thành sản phẩm.
Ưu điểm:
- Sản phẩm có kích thước tròn, đồng đều, bóng đẹp, có hàm lượng dinh dưỡng cao
- Có thể điều chỉnh công thức hợp lý theo nhu cầu của từng loại cây trồng
- Hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong sản phẩm được ổn định
- Yêu cầu về nhiều công thức phân bón khác nhau, hàm lượng đạm có thể thấp, không bắt buộc phải cao.
Nhược điểm:
- Giới hạn của những chủng loại sản phẩm có thể được sản xuất được và các nguyên liệu có thể được sử dụng. Những thành phần của sản phẩm phân NPK phải được định trước, sao cho nước và nhiệt của hơi nước tạo nên những tác động kết tụ theo mong muốn.
- Hàm lượng của một số chất dinh dưỡng, đặc biệt là thành phần chứa đạm, bị thu hẹp trong một phạm vi nhất định do những yêu cầu về tính chất vật lý va quá trình (thông thường hàm lượng urê phải được giữ ở mức nhỏ nhất).
- Áp dụng phương pháp này tính chất vật lý của sản phẩm hạt tạo ra kém hơn so với phương pháp tạo hạt hóa học.
6, Sản xuất phân bón tạo hạt bằng nén ép
Dùng lực cơ học để tạo ra các viên phân bón đặc từ bột hoặc các hạt rời.
Ưu điểm:
- Phương pháp này thực hiện nén ép kết hợp tất cả các thành phần vào hạt phân bón để cho ra sản phẩm phân bón với thành phần dinh dưỡng như mong muốn.
- Quá trình sản xuất trở nên rất dễ dàng, tiêu hao ít năng lượng, công thức của sản phẩm có thể được thay đổi nhanh chóng và dễ dàng, mức ô nhiễm giảm nhẹ do chỉ dùng nguyên liệu khô.
- Giá thành đầu tư không cao so với phương pháp tạo hạt bằng hóa học, cần ít nhân công hơn và vận hành dễ dàng hơn.
- Có thể dùng nhiều loại nguyên liệu để tạo ra nhiều chủng loại phân bón khác nhau.
Nhược điểm của phương pháp nén ép là:
- Nguyên liệu phải có hàm lượng ẩm vừa phải.
- Không nên sử dụng một số nguyên liệu như urê, amoni nitrat và supephôtphat.
- Cạnh mép của sản phẩm nén ép hay có xu hướng vỡ và trở thành những hạt mịn nếu không được xử lý phù hợp.
- Các hạt được sản xuất ra không mang hình dạng tròn, các hạt cũng không có hình dạng đồng đều như các phương pháp tạo hạt khác, tạo nên cảm quan không lợi về sản phẩm.
7, Sản xuất phân bón với phương pháp phối trộn các thành phần rời
Đây là phương pháp phối trộn vật lý mà không thực hiện các phản ứng hóa học. Trong quy trình phối trộn đòi hỏi phải dùng những nguyên liệu phù hợp với tỉ lệ thích hợp giúp đảm bảo yêu cầu về các chất dinh dưỡng.
Sản phẩm của phân bón trộn phải mang những đặc điểm sau: tỉ lệ thành phần theo yêu cầu, không vón cục, các thành phần không bị tách rời nhau, không hút quá nhiều ẩm.
Ưu điểm :
- Bỏ ra vốn đầu tư xây dựng thấp hơn, dễ dàng vận hành
- Thường xuyên thay đổi công thức và chủng loại sản phẩm phân bón
- Chất lượng của sản phẩm phụ thuộc vào chất lượng và tính tương thích của nguyên liệu sử dụng.
Nhược điểm:
- Đôi khi không thể dùng nguyên liệu chất lượng cao, phù hợp cho phương pháp phối trộn.
- Có thể xảy ra hiện tượng mất sự liên kết giữa các thành phần do cỡ hạt các loại nguyên liệu không tương thích, thao tác không đúng.
- Khó có thể kết hợp với các chất vi dinh dưỡng vào những hạt phân bón.
Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong những phương pháp sản xuất phân bón cũng như những ưu, nhược điểm của từng phương pháp đó. Qua bài viết này, Fao hy vọng bạn có thể chọn cho mình một phương pháp phù hợp để có thể sản xuất phân bón nhé. Chúc các bạn thành công!